Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Lược Ý Thủ Lư Trong Nghi Thức Phần Hương Cúng Dường Phật Giáo Bắc Truyền

Lược Ý Thủ Lư Trong Nghi Thức Phần Hương Cúng Dường Phật Giáo Bắc Truyền
 Phần hương cúng Phật, đốt hương cúng dường, xông hương cúng dường là một trong những nghi thức quan trọng trong nghi lễ đàn tràng pháp hội Phật Giáo Bắc Truyền, Thủ lư là một trong những khí vật dùng để xông hương dâng lên cúng dường Tam Bảo trong Pháp hội và các nghi thức trong Thiền gia, Thủ lư còn là một trong 18 khí vật mang theo bên mình của hàng Tỳ Kheo.
Danh từ tên gọi của Thủ Lư theo sách Trung Hoa Phật Quang Văn Hóa Thiên Phật Giáo Dụng Ngữ chép: "Thủ lư là lư hương cầm ở trên tay, còn gọi là Bỉnh hương lư, Thủ lư, Đề lư. Lư hương này thường có cán để cầm dài khoảng hai tấc, có cái dài đến ba tấc, hình dáng có rất nhiều thứ, cuối cán cầm có hình sư tử ngồi, hình hoa sen.v.v... thường được đúc bằng đồng, hay gò bằng thau mạ vàng hoặc làm bằng gỗ...".
Hình dáng của Thủ lư hương như thế nào thì trong sách Pháp Uyển Châu Lâm có ghi chép như sau: "Trời người thường nói lư hương của cổ Phật Ca Diếp làm bằng ngọc Hoàng quỳnh, phía trước có điêu khắc 16 con sư tử và voi trắng, trên đầu hai con thú này nổi lên một tòa liên hoa, đài hoa dùng làm nơi đốt hương, phía sau có một con sư tử ngồi chấn, trên nắp của thủ lư có chín con rồng vây quanh chóp nắp như hoa sen vàng, trong lòng của hoa sen trên kim đài để đầy hương thơm. Khi Phật thuyết pháp thường cầm lư này. Nay xem lại các Thủ lư do người đời sau chế đều mô phỏng theo hình dáng của ngày xưa vậy ".
Hình dáng hiện nay của Thủ lư theo sách Duyệt Độc Toàn Văn chép: "Lư hương được cầm trên tay gọi là Thủ lư hay là Bỉnh hương lư, thường có hình dáng như hoa sen hoặc là hình sư tử tọa chấn và hình đuôi chim hạc... thường được làm bằng đồng, gỗ có khi được làm bằng vàng, bạc hoặc đồng thau mạ vàng..".
Thủ lư được sử dụng trong Phật giáo có từ khi nào? Theo Kinh Tịnh Phạn Niết Bàn chép: "Đức Như Lai cung kính tay cầm Thủ lư, dẫn đầu đoàn đi đưa tang...". Qua đoạn Kinh trên cho ta thấy được Thủ lư được sử dụng trong các nghi lễ Phật Giáo từ rất sớm có từ thời Đức Phật còn tại thế và Đức Thế Tôn là người đã từng sử dụng khí cụ đốt hương này.
Thủ lư được dùng trong các nghi lễ cúng dường của Phật Giáo như khi Phật thuyết pháp, cúng dường kinh điển, thế độ xuất gia, sám pháp, pháp hội, truyền giới .v.v...Trong sách Sa Di Đắc Độ chép: "Phàm trên án thờ để lư hương, thủ lư, giới xích, cho đến bỉnh hương lư để cho giới sư khi bạch cầm...".
Kinh Kim Quang Minh quyển thứ 2 phẩm Tứ Thiên Vương chép: "...Phật dạy bốn vị Thiên Vương, mùi hương lan tỏa trùm khắp cung điện Quang Minh, nhưng mùi hương này không phải tỏa ra từ cung điện của Tứ Thiên Vương, vì sao vậy? Mùi hương này là do lúc các vị thiên nhân tay cầm thủ lư cúng dường Kinh mà hương xông cùng khắp...".
Phật Giáo Bắc Truyền tục dùng thủ lư trong khi hành trì các nghi thức Phật Giáo có từ rất sớm, những dấu tích còn lại trên các bích họa đời Đường ở Đôn Hoàng vẽ các vị Bồ tát chư Thiên, cho đến các vị Tăng và các Phật tử cúng dường tay cầm thủ lư. Trong các Phật họa đời Bắc Tống cũng có dấu tích của thủ lư được dùng trong các nghi thức cúng dường. Trong Phật Giáo ở Việt Nam hầu như pháp hội, đàn tràng đám sám nào có hành các nghi thức nghi lễ truyền thống của thiền gia đều có sử dụng thủ lư.
Trong Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da quyển 24 chép: "Đảnh lễ chân của Tăng già, tự mình cầm thủ lư, dẫn chúng đi một vòng rồi trở vào trong chùa...". Công dụng của thủ lư là khi cầm lư hương cúng dường không bị người khác làm não loạn, có thể tự cầm hương để chúc nguyện, khi cúng dường có thể đưa lư hương lên đầu thể hiện sự chí thành, thủ lư có thể cầm lâu để hành lễ mà không sợ bị hong nóng. Cầm thủ lư tác thế trang nghiêm thêm phần long trọng cho nghi thức, dùng thủ lư để xông hương cúng Phật là để tăng thêm giá trị cao quý của hương và ý thức trang trọng trang nghiêm của đạo tràng pháp hội.
ính giới thiệu hình ảnh Thủ Lư các nước Phật Giáo Bắc Truyền Việt Nam,Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc:























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét